Dự án gang thép thái nguyên giai đoạn 2
Càng “đắp chiếu”, càng thiệt hại
Sau Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 1 thành công, Tisco đề xuất, được chấp thuận đầu tư Dự án 2 và được khởi công tháng 9-2007 với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu thiết kế, lắp đặt, chuyển giao (gói thầu EPC số 01) là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), thời gian thực hiện dự án là đến hết năm 2014.
Tuy nhiên, tháng 5-2013, Chủ tịch HĐQT Tisco quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.104 tỷ đồng (tăng 4.261 tỷ đồng). Trên thực tế, gói thầu EPC số 01 do MCC thực hiện đã tạm dừng thi công từ năm 2013, các hạng mục đều đang xây dựng dở dang, cả dự án “đắp chiếu”, nhưng tổng giá trị Tisco đã thanh toán cho dự án là khoảng 4.421 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng là gần 3.900 tỷ đồng, còn lại là vốn tự có của Tisco.
Thời gian vừa qua, các cơ quan tố tụng đã tiến hành điều tra, xét xử vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí 830 tỷ đồng xảy ra tại dự án này, gần 20 bị cáo là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tisco, Tổng Công ty Thép Việt Nam( VNS), đơn vị liên quan bị xử lý bằng những bản án thích đáng, phải đền bù số tiền thất thoát, lãng phí mà mình gây ra.
Dự án “đắp chiếu” đến nay đã tám năm, mỗi lần vào công trường dự án lại thấy xót xa bởi quang cảnh đìu hiu, cỏ dại bủa vây um tùm lút đầu người, gần 30 hạng mục công trình lớn, nhỏ đều lắp đặt dở dang, thiết bị nằm ngổn ngang đang ngày càng bị hoen gỉ, có nguy cơ trở thành những những đống sắt thép phế liệu. Thiệt hại sẽ không chỉ dừng ở con số 830 tỷ đồng như đã biết.
Mặt khác, dự án đang dở dang và “đắp chiếu” từ đầu năm 2013 đến nay, những ai gây ra hậu quả thì đã bị pháp luật trừng trị, phải đến bù, nhưng đội ngũ cán bộ và gần bốn nghìn công nhân của Tisco đã và đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Bên cạnh uy tín thương hiệu Tisco bị ảnh hưởng, việc huy động số vốn rất lớn mà dự án “bất động”, không những số vốn này không được đưa vào sản xuất mà thời gian qua Tisco phải trả gốc và lãi vay ngân hàng, đặc biệt là từ đầu năm 2017 phải trả gốc và lãi mỗi tháng là 47 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày phải trả hơn 1,5 tỷ đồng. Đây đang thực sự là gánh nặng đối với cán bộ, công nhân Tisco, sau mỗi ngày lại mất đi 1,5 tỷ đồng vì dự án “đắp chiếu”.
Mong muốn có “lối ra”
Góp phần khắc phục những hệ luỵ do dự án “đắp chiếu” gây ra, thời gian vừa qua Tisco thực hiện hàng loạt giải pháp, đó là nâng cao trách nhiệm của các tập thể, người đứng đầu các đơn vị thành viên, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất; cơ cấu lại tổ chức, giảm từ 15 phòng, ban xuống còn mười phòng, ban, giảm số biên chế từ hơn 6.400 người xuống còn gần 4.000 người nhằm giảm chi phí, hạ giá thành để các sản phẩm thép cạnh tranh trên thị trường.
Kết quả là sản xuất, kinh doanh khả quan, thị phần thép Tisco ở miền bắc luôn duy trì từ 14 đến 17%, nếu như năm 2013 Tisco lỗ hơn 161 tỷ đồng thì năm 2014 lãi 5,2 tỷ đồng, năm sau lãi hơn tám tỷ đồng, năm 2016 lãi hơn 207 tỷ đồng, năm 2017 lãi gần 110 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến hết năm 2018, mỗi năm nộp ngân sách từ 350 đến 400 tỷ đồng.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Tisco vẫn sản xuất và tiêu thụ gần 805 nghìn tấn thép xây dựng các loại, tăng gần 2% so với năm 2019, doanh thu đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 426,4 tỷ đồng, lương bình quân của công nhân đạt 8,8 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm, thu nhập cho hàng vạn người của khoảng 300 doanh nghiệp, đơn vị đối tác, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Bốn tháng đầu năm 2021, sản xuất, kinh doanh của Tisco vẫn hiệu quả. Điều đó cho thấy, họ đã nỗ lực như thế nào.
Tuy nhiên, Tisco phải chịu áp lực ngày càng lớn, thậm chí đang đứng trước bờ vực đổ vỡ, bởi sự chịu đựng mà hậu quả do Tisco 2 để lại gần như đã đến giới hạn. Đã tám năm qua, dự án nằm bất động, tình hình tài chính xấu đi, tiềm lực ngày càng sa sút, các lợi thế vốn có đang vơi cạn. Thời gian qua, Tisco tìm mọi giải pháp để duy trì sản xuất, mòn mỏi chờ đợi dự án có “lối ra” và nếu dự án tiếp tục kéo dài tình trạng “đắp chiếu” thì thời gian tới có nhiều khả năng Tisco không trụ vững.
Sau thời gian dài cán bộ, công nhân Tisco mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng vụ án Tisco 2 đã khép lại bằng những hình phạt nghiêm khắc dành cho những người có sai phạm, giờ là lúc cần tìm “lối ra” cho dự án, bởi công nghệ vẫn phù hợp với giai đoạn tới, nếu các vấn đề về tài chính, các hạng mục, dây chuyền sản xuất được tính toán lại, đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả.
Còn nếu dự án “đắp chiếu” lâu thêm nữa thì máy móc, thiết bị với giá trị vài nghìn tỷ đồng sẽ không còn giá trị. Khi đó, thiệt hại sẽ là rất lớn, vốn và tài sản Nhà nước tại Tisco không được bảo toàn; các ngân hàng không còn cơ hội thu hồi nợ; việc làm, thu nhập của công nhân không còn, an sinh xã hội đối với hàng vạn người ở khu vực phía nam T.P Thái Nguyên cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặt khác, với truyền thống, giá trị thương hiệu, khả năng về kỹ thuật, đội ngũ cán bộ và công nhân Tisco hiện nay tin rằng, khi Dự án có “lối ra” một cách phù hợp, tài sản nhà nước sẽ bị thiệt hại ở mức thấp nhất, Dự án sẽ hồi sinh, từng bước sản xuất có hiệu quả, hằng năm sẽ sản xuất hàng triệu tấn thép cho đất nước, nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng; có điều kiện để giải quyết các tồn đọng, trả gốc và lãi vay ngân hàng, giải quyết việc làm cho số lượng người lao động rất lớn không chỉ của Tisco mà còn khoảng 300 doanh nghiệp, đơn vị liên quan khác, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.