Giá vật liệu xây dựng năm 2021 tăng hay giảm

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong thời gian qua, giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam có diễn biến phức tạp. Từ cuối năm 2020, giá thép có chiều hướng tăng mạnh, cho đến giữa quý 1/2021 có điều chỉnh giảm, tuy nhiên, giá thép lại tăng mạnh đến cuối tháng 5/2021 và đến nay bắt đầu chiều hướng giảm. Thị trường hiện tại dùng dằng và có chưa có chiều hướng tăng – giảm rõ rệt.

Cụ thể, giá thép xây dựng loại thép cuộn D6, D8 cuối năm 2020 ghi nhận ở mức 12 triệu đồng/tấn tại các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Ý, Tung Ho. Đến ngày 19/4/2021, giá thép tăng cao với giá loại thép cuộn D6, D8 lên tới 16,9 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn ở mức 16,4- 17 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn tiếp tục tăng mạnh và “lập đỉnh” vào tháng 5/2021 khi lên tới 19,5 triệu đồng/tấn, nhưng đến nay đã hạ nhiệt

Tại miền Nam, thời điểm ngày 21/7/2021 ghi nhận trên thị trường giá thép đã giảm về dưới 17 triệu đồng/tấn. Cụ thể, dòng thép cuộn D6, D8 có giá từ 16,1- 16,29 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn 16,3-17 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cho biết, dù giá thép hiện nay đã giảm so với đỉnh điểm, nhưng vẫn cao hơn thời điểm cuối năm 2020 tới 40%, khiến chi phí xây dựng “đội” lên rất cao. Vì không chỉ có giá thép tăng, mà các nguyên liệu đầu vào của ngành xây dựng cũng tăng, như: cát, đá tăng giá từ 15 – 20%, gạch xây dựng tăng 10%, xi-măng, gạch ốp lát, bêtông tăng giá 5 – 10%….

Tại hội thảo trực tuyến “Giá nhà có giảm do Covid-19?” diễn ra mới đây, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group cho rằng, trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản thì chi phí sắt thép chiếm khoảng 15-20% (thuộc nhóm chi phí xây dựng). Giá sắt thép tăng lên 50% buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5-10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.

Vị CEO này cho hay, việc giá thép tăng trong thời gian qua đã tạo nên rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và cả các đơn vị xây dựng. Đây là vấn đề cực kỳ lớn của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám Đốc – NS BlueScope Lysaght Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá thành nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao khoảng 25% so với đầu năm, đặc biệt là giá thép trong nước tăng mạnh. Việc tăng giá thép và các loại vật liệu xây dựng là sẽ làm gián đoạn tiến độ của các công trình vì đội vốn, khi đó chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án. Điều này sẽ làm suy giảm nguồn cung bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thuê với nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.

Nhìn về tương lai, các nhà đầu tư sẽ rất thận trọng, xem xét kỹ lưỡng các danh mục đầu tư trước khi triển khai vốn cho các khoản đầu tư bất động sản.

“Tình trạng khan hiếm thép và giá cả không ngừng biến động trong thời gian qua là do sự mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng cung ứng. Nhu cầu của các nước tăng đột biến sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid đợt 1. Đặc biệt là nhu cầu thu mua cao của Hoa Kỳ, thể hiện thông qua sự chênh lệch mặt bằng giá thép lớn chưa từng có giữa thị trường Mỹ và Asean”, ông Tí cho hay.

Còn theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, chủ đầu tư không nhất thiết tăng giá đối với chung cư khi giá thép tăng. Theo đó, trong điều kiện bình thường, trước khi có dịch Covid-19, chủ đầu tư thường đặt mục tiêu tỷ suất lợi nhuận khoảng 15% so với doanh thu. Với mức này, nếu giá thép tăng 50% thì chủ đầu tư điều chỉnh giá thêm 5-7% là hợp lý. Tuy nhiên hiện tại, nhiều chủ đầu tư đã đặt kỳ vọng về tỷ suất lợi nhuận lên gấp đôi, thậm chí gấp 3, có dự án lên đến 45% thì không nhất thiết phải tăng giá chung cư do tác động của giá thép. Ngược lại, người sở hữu nhà liền thổ hoàn toàn tính toán được các loại chi phí cấu thành nên có thể tăng giá bán do ảnh hưởng của giá thép.

Hạ Vy

Theo Nhịp sống kinh tế