Giá vật liệu xây dựng tăng
Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), từ ngày 25/10, giá xi măng cũng tăng mạnh, trung bình từ 80.000 – 100.000 đồng/tấn. Nguyên nhân hiện giá than trong nước tăng bình quân từ 7 – 10%, dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10% và hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng cũng tăng giá. Trong khi đó, giá than chiếm 40 – 45% giá thành sản xuất xi măng.
Cũng từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 – 192.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Công ty Thái Nguyên cũng tăng giá thép CB240 thêm 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg. Các công ty khác cũng tăng từ 200 – 400 đồng/kg.
Đây không phải là đợt tăng giá thép đầu tiên. Đầu năm 2021, thép tăng giá chóng mặt so với năm 2020 khiến các bộ ngành phải vào cuộc kiểm tra. Hay giá các loại kính hiện cũng tăng hơn 30% so với đầu năm 2021. Rồi hàng loạt VLXD khác cũng tăng chóng mặt trước đó.
Như vậy, ghi nhận cho thấy, sau giãn cách, các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng từ sắt thép, bê-tông, ống nhựa… đều đồng loạt tăng giá với mức tăng từ 5%-20%.Trong số này, thép xây dựng là mặt hàng đã tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay. Một số nhà thầu xây dựng cho biết tháng nào cũng nhận được báo giá mới, có tháng tăng giá 2-3 lần.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các VLXD đầu vào như: giá thép xây dựng tăng 30 – 40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường), giá nhựa đường tăng 9 – 10%, giá xi măng tăng 3 – 5%… Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới, trong khi một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD phải nhập khẩu dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, từ đó làm tăng giá VLXD…
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay dịch bùng phát ở hầu hết các quốc gia, việc hạn chế đi lại, thông quan hàng hóa chậm lại dẫn đến thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải hàng hóa bị đình trệ cũng làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp VLXD trong nước.
Mới đây, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 thông báo tăng 80.000 đồng/tấn xi măng Vicem Hà Tiên cho chủng loại bao 50 kg trên tất cả tỉnh, thành cả nước kể từ ngày 1/11. Theo đơn vị này, hiện giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt là nguồn cung than đá khan hiếm, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao. Mặc dù công ty đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm trong sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên – nhiên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí.
Công ty CP Bê tông Terra Yamaken cũng thông báo tăng 50.000 đồng/m3 bê-tông. Công ty CP Nhựa Bình Minh báo giá mới tăng trung bình 12% với các sản phẩm PVC-U, phụ tùng PVC-U và keo dán…
Vào đầu năm 2021, giá vật liệu xây dựng đã tăng chóng mặt, trong đó sắt thép tăng 40-60% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán không chỉ gây khó khăn đến người xây nhà, mà những nhà thầu xây dựng làm các công trình lớn cũng “méo mặt” vì quá sức chịu đựng.
Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng từng giãi bày: “Giá nguyên vật liệu tăng chắc chắn ảnh hưởng đối với các hợp đồng xây dựng đã ký kết, dẫn tới giá ngân sách dự toán bị vượt, làm không còn lợi nhuận, bị thua lỗ. Không chỉ thép tăng mà rất nhiều nguyên vật liệu xi măng, cát, đá đều tăng chóng mặt và còn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng đã khiến cho các nhà thầu vô cùng khó khăn trong quá trình triển khai thi công dự án trong khi vẫn phải đảm bảo tiến độ của chủ đầu tư. Chủ đầu tư cũng khó chấp thuận giãn tiến độ thi công hoặc điều chỉnh giá hợp đồng vì họ cũng bị ràng buộc pháp lý về tiến độ bàn giao nhà và giá bán sản phẩm theo hợp đồng với khách hàng”.
Còn với các hợp đồng ký mới thì nhà thầu bắt buộc phải điều chỉnh giá hợp lý với tình hình giá nguyên vậy liệu tăng phi mã như hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài thì sẽ gây ra hệ lụy không tốt cho nền kinh tế.
Và ngay sau thời điểm nới giãn cách xã hội, các công trình xây dựng đang đẩy mạnh trở lại sau thời gian tạm dừng thì giá vật liệu xây dựng lại lần nữa tăng dựng đứng khiến cả chủ nhà, nhà thầu xây dựng các công trình… lần nữa “méo mặt”.
Theo lãnh đạo một công ty xây dựng, hiện các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do trước đó đã ký với chủ đầu tư hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Do đó, giá VLXD có tăng đến bao nhiêu, họ vẫn phải “bấm bụng” thi công để đảm bảo đúng tiến độ trong hợp đồng, nếu không sẽ bị phạt nặng.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá VLXD tăng phi mã thời gian qua đã kéo theo căn hộ chung cư đã tăng 4 – 6% trong thời gian gần đây. Dự báo giá sẽ còn tăng từ 10 – 15% trong thời gian tới. Tình trạng này khiến các chủ đầu tư điêu đứng.
Bảo Anh
Theo Nhịp sống kinh tế