Nhà máy thép hòa phát kinh môn hải dương
Ngày đêm tra tấn người dân
Mùa hạ, hai bờ sông Kinh Thầy chạy dọc xã Hiệp Sơn, bầu trời nhờ nhờ màu đục của khói bụi tưởng chừng không thể thở nổi. Những nhà máy xi măng, luyện thép, bãi tập kết vật liệu xây dựng thi nhau xả khói bụi lên không trung. Khung cảnh lúc nào cũng ầm ầm như thể sắp có động đất. Cây cối trong vườn, tường vách, cửa sổ trong những ngôi nhà của người dân phủ một lớp bụi xỉ mà chỉ cần lấy tay gỡ có thể bong tróc từng mảng lớn. Người người ra đường phải bịt khẩu trang kín mít. Cái bối cảnh đời sống không khác gì tra tấn này xuất hiện ở Hiệp Sơn kể từ khi vùng đất này mọc lên nhà máy thép của Cty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương.
Nhà máy thép Hòa Phát gây nằm ngay cạnh cạnh khu dân cư
Hiệp Sơn vốn là xã thuần nông, nhưng bây giờ đã trở thành một KCN rộng lớn. Những tưởng, nhường đất cho nhà máy thì cuộc sống người dân sẽ được cải thiện hơn. Nhưng không, đã hơn 10 năm trời, cuộc sống của họ là thảm kịch, là cầu cứu. Từ trung ương đến địa phương, các đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan báo chí, đôi chân những người nông dân vùng đất này đã đi đến khắp những cơ quan chức năng nhưng gần như chẳng thay đổi được gì.
Từ nhiều năm trước, khi nhận được đơn cầu cứu của người dân Hiệp Sơn, Báo NNVN đã có hàng loạt bài viết phản ánh về cuộc sống u uất, khổ sở khi nhà máy thép Hòa Phát ngày đêm tra tấn họ. Bẵng đi một thời gian, những tưởng tình hình đã được cải thiện, nhưng thực tế bây giờ thậm chí còn thê thảm hơn.
Trong những lá đơn mới nhất gửi đến Báo NNVN, người dân Hiệp Sơn đã vạch ra 4 vấn đề mà họ cho là Hòa Phát Hải Dương đang đẩy già trẻ lớn bé vùng quê này vào bước đường cùng. Thứ nhất là khói bụi, thứ hai là ô nhiễm nguồn nước, thứ ba là gây chết cây trồng vật nuôi, thứ tư là tỉ lệ người bệnh, người chết tăng đột biến kể từ khi nhà máy cắm xuống đây.
Căn nhà bà Trần Thị Huệ ở thôn 4, không khác gì một pháo đài xám xịt. Cửa nẻo bít kín không còn một chút ánh sáng, khói bụi phủ lên khiến nó vốn dĩ lụp xụp lại càng thêm nhếch nhác. Chỉ mới nghe nhắc đến dự án nhà máy thép, lập tức người đàn bà này nói như gào: “Chúng tôi không sống nổi với nhà máy này nữa rồi. Ngày đêm họ xả khói bụi ùn ùn. Xả quanh năm suốt tháng. Nhà cửa không dám mở cửa vì bụi. Đi đâu thì chớ chứ về nhà phải nhắm tịt mắt dò đường. Khói bụi như cát táp vào mặt. Toàn là mạt sắt cả. Các chú không tin tôi quét sân cho mà xem. Hót được cả thúng mạt sắt đấy. Chỉ sau một đêm, nhà cửa bị phủ một lớp bụi, đông kết lại như xi măng, óng ánh như kim loại. Chúng tôi thử dùng nam châm hút thì chúng bám vào đen sì. Thứ mạt sắt này len lỏi bám vào các vật dụng sinh hoạt, lẫn vào trong nguồn nước khiến các bể nước sinh hoạt đóng từng lớp dày cả gang tay dưới đáy. Mỗi lần bơm nước vào phải để lắng cả ngày, gạn lấy phần trong nhưng nấu nước uống, nấu cơm ăn xong nhìn dưới đáy nồi đóng những lớp mạt sắt li ti”.
Cả cánh đồng lúa, hành của người dân trước đây bị cháy, do nhà máy thép Hòa Phát
Chỉ sau một lúc, nhà bà Huệ chật kín người dân đến tố cáo. Họ cung cấp những clip, hình ảnh về nguồn nước thải, lúc thì đỏ, lúc khác lại đen. Thứ nước này ngày ngày vẫn đổ ra sông Kinh Thầy. Đáng báo động ở chỗ, nhà máy nước trong xã dùng chính nguồn nước ấy để xử lý và cung cấp cho người dân sinh hoạt.
Cũng chính nguồn nước và khói bụi khiến những vụ lúa, vụ hành của bà con liên tục thất bát. Bà Huệ kể: Vừa rồi cả xóm này trồng hành hỏng hết, riêng nhà tôi mất 3 sào, nhà bà Đoàn Thị Định mất 5 sào, phải đi ăn đong. Cả một cánh đồng hành vừa lên xanh được thời gian ngắn thì khói từ nhà máy xả ra cháy hết. Chúng tôi báo lên xã, lên huyện kêu cán bộ về kiểm tra. Cũng có người về phân tích nguyên nhân, họ nói không phải do đất, không phải sâu bệnh, không phải do phân bón vì rễ không bị gì, cuối cùng chúng tôi gặng hỏi có phải do thép Hòa Phát không thì họ im lặng rồi về. Vụ lúa trước cũng thế. Nhiều diện tích lúa bị cháy vàng khét, phía Công ty Hòa Phát có đền bù được một ít cho dân nhưng không thấm vào đâu so với tiền chúng tôi đầu tư cả.
“Ai cũng nói nhà máy về sẽ thay đổi cuộc sống người dân. Ở đâu thì không biết chứ như đây thì cũng thay đổi nhưng mà thay đổi kiểu làm khổ dân. Chúng tôi được biết là theo quy định nhà máy phải cách khu dân cư trên 500m nhưng mà ở đây sát nách luôn. Chết người rồi các chú ạ. Vừa rồi có chú công nhân mới 39 tuổi làm trong nhà máy Hòa Phát cũng bị ung thư chết, chưa đầy 49 ngày”, người dân Hiệp Sơn đồng loạt lên tiếng.
Theo tố cáo của người dân Hiệp Sơn, “thời điểm vàng” để Hòa Phát xả thải là những hôm có mưa phùn, chiều tối hoặc ban đêm. Sống ngay cạnh sông Kinh Thầy nhưng hiện tại người dân Hiệp Sơn đang phải đi mua nước sinh hoạt. “Nguồn nước ở đây nhà tôi không dám ăn uống. Hàng tháng chúng tôi vẫn thường lấy máy đo và phát hiện trong nguồn nước có cả hàng trăm thứ tạp chất lẫn vào. Cứ vài ba ngày người dân lại phải đi hơn 3km mua nước của người dân trên núi về dùng”.
Không chịu nổi đời sống thảm kịch cạnh nhà máy, một số dân Hiệp Sơn phải bỏ làng, nhưng chỉ số ít. Bởi vì thông tin nhà máy tra tấn người dân khiến giá đất ở đây rất rẻ. Bán toàn bộ nương vườn, nhà cửa cũng khó để đủ mua một nơi ở mới. Biện pháp khả dĩ nhất bây giờ là mỗi khi nhà máy xả thải, dân lại lánh đi đâu đó vài ngày, chờ đỡ hơn rồi mới dám về.
Công nghệ Trung Quốc và ác mộng kinh hoàng
Theo tìm hiểu của NNVN, dự án xây dựng nhà máy được triển khai (tháng 8/2007). Thuở mới khởi công, chủ đầu tư đã vẽ ra những viễn cảnh trong mơ về một dự án trọng điểm của Tập đoàn Hòa Phát trong lộ trình trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam, những cam kết sử dụng công nghệ lò cao với công suất thiết kế lên đến 1.700.000 tấn/năm, được đánh giá là đồng bộ, hiện đại và quy mô lớn nhất Việt Nam… Thực tế mà nói, thành quả kinh tế có thể phía doanh nghiệp đã đạt được, nhưng cùng với đó là thảm họa ập xuống đầu dân.
Đã tròn một tháng kể từ tai nạn cháy nổ kinh hoàng tại Hòa Phát Hải Dương khiến 3 công nhân địa phương thiệt mạng nhưng không khí tang thương dường như vẫn còn bao trùm lên mảnh đất này.
Đó là một vụ cháy theo kết luận của cơ quan chức năng khiến 3 người chết và một người bị thương nặng. Nạn nhân bao gồm Nguyễn Văn Tưởng (49 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh); Hứa Văn Tâm (52 tuổi, trú tại xã Kim Lương, huyện Kim Thành); Bùi Văn Tung (33 tuổi, trú tại xã Thăng Long và Vũ Văn Tuyền, trú tại xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Tất cả đều là công nhân nhà máy.
Người Hiệp Sơn kể rằng, ngay sau khi thảm họa xảy ra, cơ quan chức năng kết luận do xỉ than hàn xì rơi vào bao bì vật liệu, nhưng dân không tin. “Khi vụ cháy xẩy ra, chúng tôi lập tức chạy vào nhưng bị bảo vệ ngăn lại. Sau đó, khi đưa xác người thân về thì thấy thi thể co quắp, nội tạng hỏng hết, hai mắt bị nổ”, một người nhà nạn nhân cho biết.
Người dân cung cấp hình ảnh Hòa Phát Hải Dương xả thải
Từng rất nhiều lần trực tiếp thâm nhập “điều tra” phía bên trong nhà máy, anh Nguyễn Thắng Khuyến, thôn 4 xã Hiệp Sơn tiết lộ: Nhà máy thép của Hòa Phát hiện đang sử dụng các thiết bị máy móc của Trung Quốc và do các chuyên gia, công nhân Trung Quốc vận hành. Thời điểm chúng tôi vào trong đó tận mắt thấy máy móc họ sử dụng rất cũ rồi”.
Cũng theo người dân, đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên trong nhà máy. Khoảng 2 năm trước, một công nhân địa phương cũng đã bị bỏng nặng và sau đó tử vong khi làm việc ở lò thổi. “Còn bệnh tật thì nhiều vô kể”, anh Khuyến nói: “Không biết con cháu chúng tôi rồi đây sẽ sống ra sao khi mà mỗi ngày phải hít không khí, uống nước chứa mạt sắt. Tỉ lệ trẻ con mắc bệnh đường hô hấp tăng đột biến. Còn người lớn, có những trường hợp đột tử không kịp phát hiện nguyên nhân”.
Nhà máy sai rồi
Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn, ông Trần Văn Chương một mặt thông tin việc các đoàn kiểm tra thông báo các chỉ số “cho phép” của nhà máy thép Hòa Phát, nhưng mặt khác lại khẳng định: “Nhà máy thép Hòa Phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong xã như khói bụi, tiếng ồn, nguồn nước… và nếu theo quy định thì khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư chưa được chuẩn. Thậm chí là sai, không đúng quy hoạch. Thời điểm nhà máy xây dựng, tôi chưa làm chủ tịch UBND xã nhưng được biết đây là chủ trương của cấp trên, chúng tôi không được tham gia bàn bạc. Mãi đến sau này, khi nhà máy đi vào hoạt động, người dân và chính quyền xã nói nhiều, thậm chí còn kiến nghị với các đại biểu Quốc hội nhưng rồi thực trạng vẫn cứ như thế.