Thép Tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL: Đã qua thời bị động

Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Hoành

Dưới đây là những chia sẻ của Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Hoành về hành trình thay đổi này.

PV: Ông hãy phân tích những kết quả đạt được của Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ – VNSTEEL trong 2 năm gần đây? Đâu là những khó khăn cơ bản, nguyên nhân và giải pháp?

Ông Nguyễn Tấn Hoành: Năm 2019, Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ (PFS) lỗ 80,2 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế đến cuối năm là 201,7 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn nguyên liệu và chất lượng không ổn định dẫn đến đầu ra bán hàng sản lượng thấp, chỉ đạt khoảng 52-60% công suất. Từ việc không ổn định của chất lượng và khách hàng đã dẫn đến những rủi ro về tồn kho, chi phí tăng và giá thị trường biến động, nên dẫn đến kết quả lỗ.

Quý 4 năm 2019, khi tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ, chúng tôi tổ chức phân tích điểm mạnh điểm yếu của PFS, xác định được sản lượng tối thiểu hoà vốn, nhận định được nguyên nhân và quyết tâm thực hiện mục tiêu là ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với ổn định nguồn nguyên liệu, tôi đã nhiều lần hẹn gặp trực tiếp nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu trong nước là Formosa để cam kết ổn định và tăng dần số lượng đặt hàng; đồng thời chủ động tìm gặp khách hàng mới như Tôn Việt Pháp (Hải Phòng) cũng như tất cả các khách hàng đã và đang mua hàng PFS, kể cả đối thủ cạnh tranh để học hỏi, tiếp thu ý kiến của họ. Tôi cam kết với khách hàng cung cấp ổn định chất lượng và số lượng đặt hàng. Trong ngành thép, kế hoạch sản xuất và đơn hàng thường được đặt trước 1-2 tháng nên quan trọng nhất là ổn định đầu vào và đầu ra.

cuon nguyen lieu
Bãi chứa thép cuộn

Với tâm thế chủ động đó, chúng tôi đã cùng nhau đưa ra những giải pháp hữu hiệu giải quyết được những khúc mắc, vì vậy, tình hình của PFS đã thay đổi. Kết quả SXKD của chúng tôi năm 2020 lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2021 dự kiến sản lượng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020 và lợi nhuận khoảng 122 tỷ đồng. Mục tiêu của năm 2021 là xóa lỗ và có lợi nhuận để lại khoảng 10 tỷ.

PV: Rõ ràng, nếu không có những thay đổi trong quản trị điều hành cho phù hợp với tình hình hiện tại, đặc biệt là trong công tác khách hàng thì PFS khó mà có được những con số này, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Hoành: PFS xây dựng giá trị cốt lõi là “Luôn chủ động cải tiến và nâng cao chất lượng để đáp ứng với yêu cầu và sự thay đổi; quan tâm chủ động, xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng, đối tác và xã hội bằng sự thiện chí, thân ái”.

Tôi thấy rằng, thay đổi là đương nhiên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt hội nhập thời đại 4.0 và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chúng ta phải chủ động trong mọi tình huống, không thể ngồi yên để cơ hội trôi qua lãng phí. Trong quá trình cải tổ, chúng tôi rà soát lại quy trình, sửa đổi bổ sung cho phù hợp thực tế, thay đổi phương thức bán hàng linh hoạt tạo sự cạnh tranh, ví dụ như giá bán không thể áp dụng một giá công bố cho tất cả các khách hàng như nhau được, trong khi trước đây là vậy.

Những thay đổi ấy còn phải được thực hiện từ trên xuống dưới. PFS chỉ có thể thay đổi được khi mà toàn thể CBCNV của PFS cùng thay đổi tư duy, tiếp cận những cái mới, tư duy mới, cùng đoàn kết, sáng tạo để phát huy hết lợi thế nội lực của mình.

phu my tam la
Một khuôn viên rất xanh trong Tấm lá Phú Mỹ

PV: Tinh thần chủ động này PFS được thể hiện ở việc duy trì rất tốt việc phối hợp với các đơn vị trong cùng hệ thống VNSTEEL như Tôn Phương Nam, Tôn Thăng Long… để cùng nhau vượt qua khó khăn? Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tấn Hoành: Được sự hỗ trợ của Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP, Tôn Phương NamTôn Thăng Long là hai đơn vị trong cùng hệ thống, cũng là hai khách hàng chính hỗ trợ mua hàng của PFS trong nhiều năm qua, với sản lượng từ 40- 50% trong tổng sản lượng của PFS. PFS rất trân trọng sự hợp tác thủy chung đó. Đặc biệt là những hỗ trợ tuyệt đối từ Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP về tài chính để ký hợp đồng dài hạn và ổn định lượng nguyên liệu HRC từ Nhà máy FHS Hà Tĩnh…

Nội bộ nhiều thuận lợi như vậy, không chủ động đổi mới để tận dụng những ưu thế được trao cho từ Tổng công ty thì có nghĩa là chúng tôi đã từ bỏ đi cơ hội rất tốt của của mình.

Không chấp nhận điều đó, từ năm 2020, PFS thay đổi tư duy như giá trị cốt lõi nêu trên, ngoài việc gìn giữ, phát huy mối quan hệ với khách hàng trong hệ thống Tổng công ty, chúng tôi cũng chú trọng đảm bảo tất cả các yếu tố cạnh tranh đáp ứng yêu cầu của khách hàng trên tinh thần cùng nhau phát triển bền vững. Khó khăn rồi cũng lùi bước, PFS dần dần đã khắc phục được những sai lỗi tưởng như đã ăn vào máu. Kết quả đạt được trong 2 năm qua đã cho chúng tôi niềm tin và động lực để biết mình đã đi đúng hướng.

Tam la phu my xanh
Nhưng lô hàng đợi chờ dưới tán bàng Đài Loan

PV: PFS có mang tinh thần chủ động này vào cuộc cách mạng chuyển đổi số trong đơn vị không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Hoành: Chuyển đổi số đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng. PFS cũng chủ động tìm hiểu và có những bước chuẩn bị cho mình.

Theo chỉ đạo của Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP, chúng tôi cũng đang đầu tư phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP và chuẩn bị ký hợp đồng áp dụng phần mềm điện toán đám mây quản lý nhân sự tiền lương chấm công qua APP trên điện thoại thông minh của người lao động.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!