Trường thpt gang thép thái nguyên

TRƯỜNG THPT GANG THÉP

Đ/c: Tổ 28, P.Trung Thành, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoai: 0852852386

TRƯỜNG THPT GANG THÉP

Ngược dòng lịch sử, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình được lập lại. Để chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng CNXH ở Miền Bắc, Ngày 4/6/1959 Hội đồng Chính phủ đã có quyết định thành lập Công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên. Chỉ vài tháng sau, công trường được mở rộng rất nhanh. Cuối năm 1959 Công trường có trên 15 nghìn lao động, đến đầu năm 1965, con số này đã là 27 nghìn. Cũng thời gian đó, tại Công trường Khu Gang Thép Thái Nguyên đã có các trường phổ thông cấp I, cấp II được thành lập và hoạt động. Tháng 10 năm 1965 theo đề nghị của Khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên, UBND tỉnh Bắc Thái (Nay là UBND tỉnh Thái Nguyên) đã có quyết định thành lập trường Phổ Thông Công Nghiệp Cấp III Gang Thép.

Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, bom đạn, nhưng buổi học đầu tiên của trường là ngày 10/10/1965 vẫn diễn ra trong niềm vui hân hoan của 11 thầy cô giáo với 5 lớp học và 200 học sinh. Chỉ mười ngày sau buổi học đầu tiên ấy, thầy trò đã phải sơ tán từ đồi Dốc Nguy Hiểm (xã Tích Lương) về xóm Pha (xã Lương Sơn). Năm 1967, trường chuyển đến xóm Đông Yên (xã Tích Lương) và năm 1969, trường chuyển về khu Đồi C2 hiện nay (thuộc tổ 28 phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên).

Vừa mới thành lập, trường còn non trẻ. Hơn nữa, trong bốn năm, trường lại chuyển địa điểm đến ba lần nên những năm tháng khởi đầu nhà trường gặp vô vàn khó khăn. Lớp học được dựng lên bằng tranh, tre, nứa, lá do chính thầy cô và học sinh tự khai thác nguyên vật liệu, tự dựng nhà. Những năm tháng ấy, mái trường Gang Thép còn oằn lưng chịu đựng hàng chục trận đánh phá của hàng trăm máy bay giặc Mỹ khi chúng nhằm vào Khu Gang Thép và thành phố Thái Nguyên. Thế nhưng, nhớ lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, thầy và trò nhà trường càng ra sức phấn đấu hoàn thành tốt việc dạy và học. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, các tổ chức, đoàn thể cũng hoạt động sôi nổi. Mặc cho đế quốc Mỹ vẫn điên cuồng bắn phá, những hoạt động TDTT, văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom”,…vẫn diễn ra; các phong trào thi đua lao động đắp lũy, đào hào; phong trào “Ba sẵn sàng” “Năm xung phong”; khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” của đoàn thanh niên vẫn được dấy lên mạnh mẽ… Nghe tiếng gọi của Tổ quốc thân yêu, nhiều học sinh của trường đã tòng quân, xung phong vào chiến trường, gác lại bao hoài bão ước mơ của tuổi học trò “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong số ấy, nhiều em đã ghi được những chiến công xuất sắc vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Nhưng cũng có em đã anh dũng hy sinh ở tuổi 20 như Trần Văn Hải, Trần Lê Thu, Trần Khắc Duyến (nhập ngũ năm 1971 và hy sinh năm 1972)… Các em đã ngã xuống giữa tuổi thanh xuân vì mục tiêu lớn của cả dân tộc “đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”.

Mùa xuân năm 1975, chiến tranh kết thúc, đất nước bước vào giai đoạn hậu chiến, xây dựng và phát triển mọi mặt, trong đó chú trọng đến giáo dục. Hòa trong điều kiện ấy, thầy cô và các em học sinh cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng nhà trường to đẹp hơn. Để có vật liệu tu sửa và xây thêm phòng học, thầy và trò đã tổ chức lao động khai thác cát, sản xuất gạch, ngói… Hơn chục năm sau ngày Bắc – Nam thống nhất, đất nước bước vào thời kì đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần. Trong giai đoạn chuyển giao, đời sống nhân dân cả nước rất khó khăn. Thầy và trò nhà trường không nằm ngoài những khó khăn chung ấy. Nhưng các thầy cô giáo vẫn giữ vững niềm tin với Đảng, tâm huyết với nghề. Các thầy cô đã khắc phục khó khăn, bám trường, bám lớp. Ở giai đoạn này, bên cạnh việc mở rộng quy mô, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được cải thiện đáng kể.

Sau nhiều năm đất nước đổi mới, mái trường Gang Thép cũng đổi thay với diện mạo mới. Từ năm 1996, nhà trường bắt đầu xây nhà lớp học cao tầng. Đến năm 2002, đã có 2 nhà lớp học ba tầng với 30 phòng học, một nhà Đa năng . Năm 2007, thêm nhà lớp học chuyên môn với 6 phòng học. Từ năm 2008 đến 2010 xây nhà Văn phòng, cải tạo khuôn viên sân trường, Bia tưởng niệm, nhà để xe, cổng trường…Những năm gần đây, xây dựng thư viện đạt chuẩn tiên tiến, thay thế bàn ghế và lắp đặt máy chiếu cho 100% các phòng học, thay thế máy tính, dụng cụ thí nghiệm, hóa chất…. đảm bảo điều kiện dạy và học ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh sự đổi thay về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường cũng thay đổi về lượng và chất. Ngày đầu thành lập, trường có 11 thầy cô giáo; đến nay, trường có 78 thầy cô. 100% thầy cô đạt chuẩn đào tạo, trong đó có 20 thầy cô có trình độ Thạc sỹ, nhiều thầy cô có 2 bằng đại học. Có 56,9% thầy cô đạt danh hiệu “giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” từ một đến nhiều lần. Chi bộ nhà trường có 42 đảng viên. Chi bộ liên tục đạt “trong sạch, vững mạnh”, nhiều năm đạt “trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”.

Các điều kiện dạy và học ngày càng tốt, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao, chỉ tính trong 5 năm (từ năm học 2009-2010 đến 2013-2014): Có 6 giải học sinh giỏi cấp Quốc gia; bình quân hàng năm học sinh tốt nghiệp đạt 99,39%, mỗi năm có 193 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, số học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều.

Tháng 10/2010 Trường THPT Gang Thép đã được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cũng từ năm 2010 đến nay, nhà trường liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”. Trong đó, 2 lần được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm học 2009-2010 và 1 lần tặng Cờ thi đua (năm học 2011-2012). Cũng trong 5 năm qua, Công đoàn nhà trường liên tục đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”, được Công đoàn GD&ĐT Thái Nguyên tặng nhiều Giấy khen; Liên đoàn Lao động tỉnh; Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc. Đoàn thanh niên nhà trường luôn được công nhận là tổ chức cơ sở đoàn vững mạnh, xuất sắc, nhiều lần được Thành đoàn tặng Giấy khen; Tỉnh đoàn; Trung ương đoàn tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc. Nhà trường liên tục đạt “Cơ quan văn hóa”. Đặc biệt, cuối năm 2014, nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đơn vị đã xin phép HĐTĐ-KT tỉnh dành niềm vinh dự đó để đến ngày hôm nay được đón nhận tại trường. Vào dịp này, sau 5 năm duy trì trường đạt chuẩn quốc gia, Nhà trường lại vinh dự được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận trường THPT đạt chuẩn quốc gia lần thứ 2.

Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước cơ hội và thách thức, nhà trường đã chủ động xây dựng môi trường giáo dục chất lượng và thân thiện, từng bước thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Để thực hiện mục tiêu đó, Ban giám hiệu đã kết hợp với các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường phát động giáo viên và học sinh hưởng ứng tích cực các cuộc thi mới do ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cuộc thi Dạy học tích hợp dành cho giáo viên: Năm học 2013-2014 đạt 03 giải Nhì cấp tỉnh; năm 2014-2015 đạt 10 giải cấp tỉnh, 01 giải toàn quốc. Cuộc thi KHKT dành cho học sinh: Năm học 2013-2014 đạt 01 giải cấp tỉnh; năm 2014-2015 đạt 4 giải cấp tỉnh. Cuộc thi Sử dụng kiến thức liên môn dành cho học sinh: Năm 2013-2014 đạt 5 giải cấp tỉnh; năm 2014-2015 đạt 10 giải cấp tỉnh; 4 giải toàn quốc trong đó có 2 giải toàn cuộc cấp quốc gia. Các thầy cô giáo luôn tự trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và giữ gìn phẩm chất, đạo đức, bởi “Một thầy giáo tốt như một ngọn nến – ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác” (Mustafa Kernal Ataturk). 100% cán bộ, giáo viên đã tích cực UDCNTT trong quản lý, trong các hoạt động giáo dục. Hằng năm, nhà trường có trên 2000 giờ giảngđiện tử, trên 900 giờ thực hành các bộ môn được thực hiện. Nhiều bài giảng, đề và đáp án bài kiểm tra được đưa lên Website của trường. Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp mang tính giáo dục cao, để lại ấn tượng tốt cho các em học sinh. Nhà trường còn làm tốt việc vận động quyên góp xây dựng quỹ “Khuyến học”, quỹ “Thắp sáng ước mơ” làm nguồn quà tặng, động viên, khen thưởng học sinh và giáo viên hằng năm.

Nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của ngành giáo dục và nhân dân tỉnh nhà, trường THPT Gang Thép đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước, quê hương. Có được thành tích như ngày hôm nay, không thể không kể đến những người đã đặt nền móng đầu tiên xây dựng nhà trường. Các thế hệ giáo viên và học sinh luôn nhắc đến tấm gương lao động sáng tạo, không mệt mỏi cho sự nghiệp của nhà trường như nguyên Hiệu trưởng Đào Bỉnh, Nguyễn Tiết Long, Võ Trọng Vinh, Nguyễn Đắc Kinh, Phạm Thị Tâm; thầy Đỗ Như Lý – Bí thư Đoàn trường đầu tiên, thầy Phạm Đan Quế, nổi tiếng dạy giỏi môn Toán của tỉnh Bắc Thái với câu ca “nhất Căn, nhì Quế” còn lưu lại trong trí nhớ nhiều lớp học trò cho đến bây giờ. Cũng từ mái trường này, nhiều thầy cô đã trưởng thành trên cương vị quản lý, trong nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học. Dù ở đâu, bất kì cương vị công tác nào, họ vẫn nhớ về nơi đây, nơi đã tôi luyện cho họ một tinh thần “gang thép”, nơi có mái trường đầy tình nghĩa mà cuộc đời họ đã gắn bó.

Một trong những niềm tự hào lớn nhất của trường THPT Gang Thép là các thế hệ học sinh sau khi rời ghế nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, thành đạt ở nhiều lĩnh vực. Những học sinh lớp sau tiếp bước lớp trước đã góp phần tạo nên truyền thống vẻ vang của nhà trường, tiêu biểu là các đ/c: Nguyễn Văn Kim – nguyên Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ Thái Nguyên; đ/c Đỗ Tuấn Nghĩa – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở – Ban tổ chức Trung ương; đ/c Đỗ Cao Khanh – nguyên Chánh thanh tra tỉnh Thái Nguyên; đ/c Bùi Khánh Thái – Tỉnh uỷ viên, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Thái Nguyên; Thiếu tướng, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Minh – Vụ trưởng Vụ GDQPAN – Bộ GD&ĐT; Giaó sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Bình – Nguyên Hiệu trưởng trường ĐHCN- ĐH Thái Nguyên; Kĩ sư Dương Quang Sơn – Tỉnh ủy viên, Đại biểu Quốc hội khóa XII, Giám đốc Điện lực tỉnh Bắc Kạn; Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Văn Quý – nguyên Chánh văn phòng Công an tỉnh Thái Nguyên; Kỹ sư Hoàng Ngọc Diệp – Tổng Giám đốc công ty CP Gang Thép Thái Nguyên; Kĩ sư Nguyễn Dương Hiệu – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Lidovit – TP. Hồ Chí Minh…

Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, 50 năm qua, các thế hệ thầy và trò trường THPT Gang Thép đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng ba Huân chương Lao động cùng với hàng chục Bằng khen, Giấy khen, nhiều Cờ thi đua xuất sắc do các cấp từ Trung ương đến địa phương trao tặng; nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên được khen thưởng với những phần thưởng cao quý.

Nhà trường có được những thành tích nêu trên là do sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ thầy và trò nhà trường, là có sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên; của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Thái Nguyên; sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Sở GD&ĐT Thái Nguyên; sự ủng hộ của các gia đình học sinh, các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị kinh tế – chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Trong giai đoạn tới, thầy trò trường THPT Gang Thép tiếp tục phát huy truyền thống “Dạy tốt, học tốt” với mục tiêu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực của người học. Các thầy cô giáo của nhà trường luôn tâm niệm “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học” (Comenxki). Các em học sinh luôn xác định động cơ “Học tập và rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”.

Với những thành tích đạt được trong 50 năm xây dựng và phát triển, trường THPT Gang Thép đã, đang và sẽ xứng đáng là địa chỉ tin cậy của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh và nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Thông tin sẽ được cập nhật thêm .